Tác giả :
QUY ĐỊNH
Đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học

Ban hành kèm theo Quyết định số 06 /2008/QĐ-BGDĐT ngày 13 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
 ______________

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học, bao gồm: điều kiện và thẩm quyền đào tạo liên thông; tuyển sinh, đào tạo liên thông; nhiệm vụ và quyền hạn của trường tổ chức đào tạo liên thông; nhiệm vụ và quyền của người học; chế độ báo cáo và xử lý vi phạm.
2. Quy định này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng (sau đây gọi tắt là trường) được tổ chức đào tạo liên thông.

Điều 2. Đào tạo liên thông
Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép sử dụng kết quả học tập đã có của người học để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác.

Điều 3. Mục đích
Quy định về đào tạo liên thông nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các trường xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo và công nhận kết quả học tập, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của người học để quá trình đào tạo liên thông diễn ra thông suốt với chất lượng và hiệu quả cao.

Điều 4 . Đối tượng đào tạo liên thông

1. Những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng có nhu cầu học tập lên trình độ cao đẳng hoặc đại học.
a) Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.
b) Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

2. Những người đã tốt nghiệp ở nước ngoài có văn bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc cao đẳng được công nhận văn bằng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương II ĐIỀU KIỆN VÀ THẨM QUYỀN ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG

Điều 5. Điều kiện đào tạo liên thông

1. Có quyết định mở ngành cùng trình độ đối với những ngành đăng ký đào tạo liên thông.
2. Có quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông nằm trong tổng chỉ tiêu được Nhà nước phê duyệt đầu năm. Các trường đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo của trường.
3. Đã xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo lên thông.

Điều 6. Thẩm quyền đào tạo liên thông
1. Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng hoặc từ trình độ cao đẳng lên trình độ đại học do Hiệu trưởng quyết định và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi tổ chức đào tạo.
2. Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận bằng văn bản khi nhà trường đủ điều kiện.

Điều 7. Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông
1. Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ đại học gồm có:
a) Tờ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng ký đào tạo liên thông. Nội dung tờ trình phải nêu rõ: ngành và trình độ đăng ký đào tạo liên thông; nhu cầu đào tạo; cơ sở đào tạo; tổ chức quá trình đào tạo; tiêu chí, hình thức và điều kiện tuyển chọn; dự kiến chỉ tiêu đào tạo; điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và những cam kết đảm bảo chất lượng;
b) Bản sao các quyết định mở ngành đối với những ngành đăng ký đào tạo liên thông;
c) Bảng đối chiếu chương trình đã được đào tạo của đối tượng tuyển sinh ở trình độ trung cấp và chương trình đào tạo để được cấp bằng tốt nghiệp ở trình độ đại học, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo liên thông;
d) Chương trình đào tạo liên thông;
đ) Chương trình bổ sung kiến thức cho người học khác ngành đào tạo liên thông nhưng cùng trong một khối ngành.

2. Hồ sơ gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Đại học và Sau đại học). Chậm nhất 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường hoặc trả lời bằng văn bản về việc chưa giao nhiệm vụ đào tạo liên thông cho trường.

Chương III TUYỂN SINH, ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG


Điều 8. Tuyển sinh
1. Đối với những lớp đào tạo liên thông đối tượng tuyển sinh là những người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp, các thí sinh phải tham dự thi tuyển 3 môn gồm: hai môn cơ bản và một môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề). Đề thi các môn cơ bản được lấy từ ngân hàng đề thi của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề thi môn cơ sở ngành (hoặc thực hành nghề) do Hiệu trưởng nhà trường quy định.
2. Đối với những lớp đào tạo liên thông đối tượng tuyển sinh là những người đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, các thí sinh phải tham dự một kỳ thi tuyển 2 môn gồm: môn cơ sở ngành (hoặc môn ngoại ngữ tiếng Anh) và một môn của kiến thức ngành. Hiệu trưởng nhà trường quy định cụ thể môn thi tuyển sinh để đảm bảo chất lượng tuyển chọn.
3. Các quy định cụ thể về công tác tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển thực hiện theo các quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành phù hợp với trình độ và hình thức đào tạo.

Điều 9. Chương trình và thời gian đào tạo
1. Chương trình đào tạo liên thông phải được xây dựng theo những nguyên tắc sau:
a) Chương trình đào tạo liên thông được thiết kế theo nguyên tắc mềm dẻo, phát triển theo hướng kế thừa và tích hợp, để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích luỹ ở các trình độ khác;
b) Chương trình đào tạo liên thông phải phản ánh đúng mục tiêu đào tạo, yêu cầu học tập, nội dung, phương pháp dạy và học, thời gian đào tạo, kế hoạch thực hiện và phương pháp đánh giá theo trình độ và theo ngành đào tạo tương ứng;
c) Chương trình đào tạo liên thông được xây dựng dựa trên việc so sánh giữa chương trình đào tạo trình độ cao đẳng cho những người có bằng tốt nghiệp trung cấp và chương trình đào tạo trình độ đại học cho những người có bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp. Việc xây dựng các chương trình đào tạo liên thông nói trên được thực hiện theo nguyên tắc bù đủ những khối lượng kiến thức còn thiếu và kiến thức cập nhật mới phù hợp với thực tế xã hội;
d) Chương trình đào tạo liên thông phải xây dựng trên cơ sở chương trình khung và được thiết kế phù hợp với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

2. Thời gian đào tạo liên thông:
a) Đào tạo trình độ cao đẳng được thực hiện từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo;
b) Đào tạo trình độ đại học được thực hiện từ hai năm rưỡi đến bốn năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ một năm rưỡi đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành đào tạo.

3. Đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng khác ngành đào tạo nhưng cùng trong một khối ngành, nếu có nhu cầu đào tạo liên thông thì phải học thêm một khối lượng kiến thức bổ sung để có đủ trình độ đầu vào ngành theo học liên thông trước khi dự thi tuyển. Khối lượng kiến thức phải học bổ sung do Hiệu trưởng nhà trường quyết định. Thời gian đào tạo các khoá bổ sung kiến thức không được tính vào thời gian đào tạo liên thông quy định tại khoản 2 của điều này.

Điều 10. Công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập
1. Việc công nhận kết quả học tập của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân phải căn cứ vào quy định về nội dung đào tạo, khối lượng kiến thức, kỹ năng thực hành, cấu trúc chương trình và thời gian đào tạo.
2. Việc công nhận văn bằng tốt nghiệp của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để học liên thông trong các trường cao đẳng, trường đại học của Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 11. Thẩm quyền công nhận kết quả học tập
Căn cứ quy trình đào tạo tại mỗi trường, người học có thể được công nhận kết quả học tập theo tín chỉ, học phần, chương trình môn học và kết quả toàn khoá học để được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông. Hiệu trưởng của trường tổ chức đào tạo liên thông quy định cụ thể việc công nhận kết quả học tập của người học.

Điều 12. Tổ chức lớp đào tạo liên thông
Việc đào tạo liên thông có thể được tổ chức thành các lớp riêng hoặc ghép học cùng với các lớp đào tạo của trường phù hợp với kế hoạch, chương trình, loại hình đào tạo. Hiệu trưởng quyết định việc tổ chức các lớp đào tạo liên thông.

Điều 13. Văn bằng tốt nghiệp
1. Người học theo hình thức học ban ngày, tập trung liên tục tại trường, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, sau khi kết thúc khoá học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ chính quy, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hệ chính quy.
2. Người học theo hình thức vừa làm vừa học, thực hiện Quy chế về tuyển sinh, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học, sau khi kết thúc khoá học, nếu đủ điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp của hệ vừa làm vừa học, người học được cấp bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng hình thức vừa làm vừa học.

Chương IV NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRƯỜNG TỔ CHỨC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG

Điều 14. Nhiệm vụ của trường tổ chức đào tạo liên thông

1. Tổ chức đào tạo liên thông theo quy định tại văn bản này.
2. Chủ động nguồn tuyển sinh và nguồn lực phục vụ cho đào tạo.
3. Xây dựng chương trình đào tạo, thời gian đào tạo liên thông theo quy định tại khoản 1 Điều 9.
4. Tổ chức các khoá đào tạo liên thông theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.
5. Thông báo công khai từ đầu năm học về chương trình đào tạo liên thông, môn thi tuyển sinh, việc tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.

Điều 15. Quyền hạn của trường tổ chức đào tạo liên thông
1. Được đăng ký đào tạo liên thông những ngành đã được giao nhiệm vụ đào tạo ở hệ chính quy cùng trình độ.
2. Được liên kết đào tạo liên thông trên nguyên tắc trường được giao nhiệm vụ đào tạo liên thông chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu tuyển sinh, quá trình đào tạo và cấp văn bằng theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và năng lực đào tạo của trường. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông nằm trong tổng chỉ tiêu được Nhà nước phê duyệt đầu năm.

Chương V NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI HỌC

Điều 16. Nhiệm vụ của người học
1. Người học muốn thi tuyển để được vào học trong các chương trình đào tạo liên thông cần phải nộp đủ hồ sơ, lệ phí theo quy định. Khi có yêu cầu, người học phải xuất trình bản chính của chứng chỉ hoặc văn bằng đã được cấp.
2. Tham dự tuyển sinh theo quy định tại Điều 8 của Quy định này.
3. Phải đóng học phí theo quy định.
4. Tuân thủ những quy định hiện hành về đào tạo liên thông.

Điều 17. Quyền của người học
1. Được cung cấp đầy đủ thông tin về khoá học: điều kiện dự thi, hình thức thi kiểm tra và những yêu cầu khác để tuyển chọn, quy chế đào tạo, quy chế học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, văn bằng tốt nghiệp, học phí.
2. Yêu cầu cơ sở giáo dục bảo đảm các điều kiện để đào tạo liên thông với chất lượng như đã thông báo.
3. Trường hợp người học có bằng tốt nghiệp khác ngành đào tạo nhưng cùng trong một khối ngành, người học phải theo học những khoá đào tạo bổ sung bắt buộc để đủ kiến thức theo học chương trình đào tạo liên thông ở trình độ cao hơn.

Chương VI CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Chế độ báo cáo
1. Hằng năm, khi kết thúc năm học các trường tổ chức đào tạo liên thông phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chương trình đào tạo liên thông.
2. Ngoài những số liệu đánh giá, nội dung báo cáo phải thể hiện những phân tích của nhà trường về chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Điều 19. Lưu trữ hồ sơ đào tạo
1. Hồ sơ liên quan đến đào tạo liên thông phải được lưu trữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giám sát, đánh giá và thanh tra khi cần thiết.
2. Hồ sơ lưu trữ bao gồm:
a) Hồ sơ đăng ký đào tạo liên thông;
b) Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo liên thông;
c) Hồ sơ liên quan đến công tác tuyển sinh đào tạo liên thông;
d) Kế hoạch lên lớp và sổ theo dõi lên lớp của sinh viên và của giảng viên;
đ) Kết quả thi, kiểm tra các học phần, thi tốt nghiệp, quyết định công nhận tốt nghiệp;
e) Học bạ và sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ.

Điều 20. Xử lý vi phạm
Trong khi kiểm tra thường xuyên, thi giữa học phần, thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp, bảo vệ đồ án, khoá luận, nếu vi phạm, người học sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.

                                                                                                                          KT. BỘ TRƯỞNG
                                                                                                            THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
                                                                                                                          Bành Tiến Long
Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

FACEBOOK

Truy cập tháng: 32,888

Tổng truy cập:181,390

 

Copyright © 2014, Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM
Địa chỉ: Số 1 Võ Văn Ngân, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. 
Điện thoại: (028) 38961333 hoặc (028) 37221223 (số nội bộ 8120). 
Email tư vấn viên: hoatrth@hcmute.edu.vn (DĐ: 038 9695 970);
vuvanviet@hcmute.edu.vn; suongptt@hcmute.edu.vn; thaopvt@hcmute.edu.vn